Dẫu cuộc đời có thể không dễ dàng, ta vẫn có thể chọn sống nhẹ nhàng
/cứ nhẹ nhàng, thì sẽ không có cái gì quá nặng nề/
So với hành động gồng mình và trở nên dữ tợn, hung hăng để ai đó khiếp sợ, việc chấp nhận mình yếu đuối và bị vỡ ra thành nhiều mảnh có khi lại giúp được bản thân hơn.
Tôi không nói rằng chúng ta cần chịu đựng những điều quá sức mình và trở nên vụn vỡ, bi quan. Xin đừng hiểu lầm ý tôi.
Ý tôi muốn nói là, hãy cho phép bản thân được “va đập” để sức mạnh cốt lõi bên trong chính mình được rèn giũa và phát triển.
Tôi xin lấy ví dụ về bản thân tôi.
Trước đây tôi là một người rất thích bàn ra tán vào chuyện của người khác. Nói xấu ai đó là một hoạt động khiến tôi được hả hê, cảm thấy mình hơn người. Thói quen đó trải dài từ những năm học cấp ba đến khi tốt nghiệp đại học, rồi cả đi làm hai năm sau đó. Nhưng đến một ngày, khi tôi nhận ra những ngôn từ mà mình sử dụng có khả năng “tấn công” một ai đó, tôi bắt đầu học cách ngưng nói xấu người khác, kể cả khi họ có những hành động khiến tôi cảm thấy buồn hay tức giận.
Ở giai đoạn tiếp theo, tôi trở nên ít nói hơn hẳn. Vì tôi biết những nhận định của bản thân không bao giờ là đúng hoàn toàn. Mà nếu có, nó cũng chỉ đúng vào một thời điểm cụ thể, trong một ngữ cảnh cụ thể mà thôi.
Tôi chuyển sang viết nhật ký, viết blog thường xuyên để bản thân không vạ miệng bàn tán về câu chuyện của người khác. Thói quen viết nhiều mang đến cho tôi sự chiêm nghiệm độc lập về cuộc đời mà tôi đang sống, và dần dà, tôi lắng nghe ai đó kể chuyện nhiều hơn là kể ra câu chuyện của bản thân thông qua cái miệng của mình. Những tháng năm nói xấu người khác đã để lại trong tôi một vết hằn nhất định, nó không chỉ khiến người bị mang ra bàn tán trở nên xấu xí hơn trong tôi, nó còn khiến cho người “châm ngòi” là tôi cũng tự thiêu rụi chính mình vì những góc nhìn hạn hẹp.
Tôi không muốn tiếp tục làm người hạn hẹp, vậy nên tôi chọn phương pháp khác để được soi chiếu lại chính mình.
Thay vì trước đây tìm ai đó để kể cho họ nghe về cảm xúc bất ổn của mình, thì giờ đây tôi chọn lật giở nhật ký ra và trải lòng trên những trang giấy. Mỗi ngày trải ra một chút suy nghĩ, cảm xúc về sự việc mà mình đang trải nghiệm, tôi cũng dần tự xoay chuyển suy nghĩ, cảm xúc của mình từ tiêu cực, bức bối sang tích cực, đón nhận hơn.
Khi sự chiêm nghiệm một mình diễn ra lâu ngày, tôi trở nên ít lên tiếng với người khác. Tôi chọn cất đi những nghĩ suy, cảm xúc của mình, bởi vì tôi đã được chính mình lắng nghe nên tôi không nghĩ mình cần phải thể hiện với người khác. Nhưng tôi đã lầm.
Làm sao người khác có thể hiểu tôi nếu tôi không chia sẻ những điều mình nhìn thấy và cảm thấy? Đặc biệt với những người sống cùng, làm việc cùng, giao tiếp để hiểu nhau là một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ. Thế là tôi trở lại với việc học nói ra những gì bên trong mình, chỉ khác là không nói về câu chuyện của người khác nữa, mà là học cách diễn giải chính mình với thế giới.
Đó là giai đoạn mà tôi đang ở đây – người giúp tôi có cơ hội học bài học này là bạn cùng nhà. Vì sống cùng nhà nên sẽ cần có những lúc trò chuyện để hiểu về tính cách, lối sống của nhau. Thậm chí có những cuộc nói chuyện rất khó, nhưng chúng tôi cũng phải học cách để bước qua thì mới có thể tiếp tục sống cùng.
Mỗi người là một thế giới riêng, khi hai thế giới đó giao thoa thì sẽ tạo ra những cú va chạm chấn động. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện liên quan đến nếp sinh hoạt trong gia đình nơi mình lớn lên, đó là cơ hội để người kia hiểu mình và ngược lại, để mình hiểu họ.
Ban đầu, tôi chỉ im lặng thôi. Vì khoảng thời gian chiêm nghiệm trên trang giấy đã cho tôi thấy rằng nếu tranh cãi với một người có góc nhìn khác mình, câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả. Vậy là tôi chọn giữ góc nhìn của mình, đơn giản là lắng nghe góc nhìn của bạn cùng nhà và không đưa ra nhận xét, cảm xúc gì thêm. Những lần đầu, chuyện đó ổn. Nhưng dần dà về sau, bạn tôi nói anh không hiểu được tôi. Và anh có nhu cầu được hiểu tôi, vậy nên tôi bắt đầu học cách nói ra góc nhìn của mình.
Những cuộc trò chuyện khó khăn đầu tiên, tôi chỉ có khóc và khóc. Dần dà, tôi bắt đầu nói ra được suy nghĩ và cảm xúc của mình trong tiếng nấc nghẹn ngào không thành tiếng. Một khoảng thời gian sau, tôi bắt đầu có khả năng giải toả cảm xúc bằng nước mắt và sau đó nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình. Giai đoạn này khó khăn tột độ vì hai thế giới bắt đầu tiến đến gần nhau hơn, lực ma sát sinh ra nhiều và vì vậy sự va chạm càng thêm gay gắt. Rồi thì lần gần nhất mà chúng tôi nói chuyện là ngày hôm qua, tôi cho phép thế giới của mình được vỡ để giảm sự ma sát, tường thành bảo vệ coi như không còn gì. Và bạn biết tôi nhìn thấy gì không? Đó là một cái lõi vững chắc tự thân, nó sáng suốt và không cần sự bảo vệ của bất kỳ bức tường thành nào. Bản thân nó không rắn chắc để có thể bị đập vỡ, cũng không như cục đất sét để ai đó có thể bóp méo đi. Nó chỉ là một thứ không có hình dạng nhưng phát sáng vừa đủ, xuyên qua mọi thứ và không để lại gì.
Đó là thứ vỡ vụn mà tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết. Theo những gì tôi tìm hiểu thì có lẽ nó được gọi là “sức mạnh nội tại” chăng? Sau cuộc cãi vã căng thẳng hôm qua, tôi biết mình đã khác đi một chút nữa, cứng rắng hơn nhưng cũng mềm mỏng hơn trước, còn cụ thể là ở mức độ nào thì phải sống, rồi mới có câu trả lời.
Rõ ràng, chỉ khi cho phép bản thân mình vụn vỡ, tôi mới nhìn thấy được cái lõi của bản thân như thế. Còn khi tôi cứ giữ mãi bức tường thành, sự giao thoa với mọi thế giới xung quanh sẽ luôn khắc nghiệt và khó chịu. Thế giới của tôi vẫn còn đó, chỉ là hình dáng đã khác đi rồi. Linh hoạt hơn, cũng nhẹ nhàng hơn. Vì không còn cái gì cứng ở bên ngoài nữa, nên hình như đi qua cái gì cũng thấy “mình làm được, mình có thể mà!”
Cứ nhẹ nhàng, thì sẽ không có cái gì quá nặng nề. Hỉ?
25.03.2025 💛